Kiến thức về những vấn đề sức khỏe ở trẻ là cần thiết trong quá trình nuôi con phát triển toàn diện. Do đó, cha mẹ cần phải nhận biết sớm các vấn đề, bệnh lý thường gặp ở trẻ để chăm sóc và điều trị kịp thời.
1. Tính trạng tiêu chảy
Nhiễm trùng, khó tiêu hóa một số loại thức ăn hoặc uống quá nhiều nước trái cây hay sữa là một trong những nguyên nhân thường gặp gây tiêu chảy ở trẻ em. Nếu con bạn bị tiêu lỏng nhiều lần, hãy cho trẻ ở nhà và cung cấp đủ nước. Nếu trẻ đã biết ăn thức ăn đặc, hãy tránh cho trẻ ăn các loại thức ăn giàu chất xơ và nhiều dầu mỡ.
Gọi cho bác sĩ nếu trẻ không khá hơn sau 24 giờ, trẻ dưới 6 tháng tuổi hoặc có các triệu chứng khác như sốt cao khó hạ, nôn mửa, đi tiểu ít hơn bình thường, nhịp tim nhanh, phân có máu hay trẻ bị đau bụng, quấy khóc nhiều.
2. Sốt là vấn đề thường gặp ở trẻ
Sốt là triệu chứng phổ biến trong các bệnh thường gặp ở trẻ. Cha mẹ cần gọi cho bác sĩ ngay lập tức nếu:
- Em bé dưới 3 tháng có nhiệt độ trực tràng từ 38oC trở lên;
- Em bé từ 3 đến 6 tháng tuổi có nhiệt độ từ 38,3oC trở lên;
- Hoặc nếu trẻ sơ sinh quấy khóc, cáu gắt liên tục và không thể dỗ dành được.
Theo dõi các vấn đề sức khỏe ở trẻ khác như đau tai, ho, hôn mê, phát ban, nôn mửa hoặc tiêu chảy. Ban đầu cần hạ sốt cho con bằng cách lau mát, tắm nước ấm và mặc quần áo nhẹ nhàng. Hỏi bác sĩ về những cách an toàn để hạ sốt cho trẻ hiệu quả. Sốt kèm với các chấm hoặc ban xuất huyết trên da (2 tình trạng được xác định bằng các đốm màu hoặc phát ban trên da do mạch máu bị rò rỉ) là một trường hợp khẩn cấp nghiêm trọng mà bạn nên liên hệ với bác sĩ.
3. Táo bón ở trẻ
Một số trẻ đi tiêu nhiều lần trong ngày, những trẻ khác phải mất đến một vài ngày mới đi tiêu. Táo bón là khi trẻ đi phân cứng và khiến trẻ đau đớn khi đi ngoài. Bác sĩ có thể đề nghị bạn cho trẻ uống thêm nước hoặc bổ sung một chút nước ép mận vào bình sữa hoặc cốc uống nước của con bạn để giúp trẻ dễ đi tiêu hơn. Tuy nhiên, nếu trẻ táo bón kèm các triệu chứng khác, chẳng hạn như đau bụng hoặc nôn mửa thì đây là vấn đề sức khỏe cần được thăm khám tại bác sĩ nhi khoa.
4. Phát ban ở trẻ em
Phát ban da ở trẻ em có thể bao gồm từ mụn nhọt đến mụn nhỏ màu trắng hay các mảng đỏ, khô và ngứa (chàm da). Để tránh trẻ bị hăm tã, hãy thay tã thường xuyên và bôi thuốc mỡ bảo vệ da. Đối với bệnh chàm da, cần tránh các loại xà phòng có tính tẩy mạnh và giữ ẩm liên tục cho da của trẻ. Hầu hết các trường hợp phát ban thường không quá nghiêm trọng. Nhưng hãy gọi cho bác sĩ nếu tổn thương da khiến trẻ bị đau hoặc mức độ nghiêm trọng cũng như trẻ bị sốt, nổi mụn nước, chảy mủ trên da.
5. Ho ở trẻ nhỏ
Hãy lắng nghe âm thanh của tiếng ho ở trẻ nhỏ. Nếu ho kèm thở rít thì có thể trẻ bị viêm thanh khí phế quản. Ho kèm theo sốt nhẹ có thể xảy ra nếu trẻ bị cảm lạnh. Sốt dai dẳng cao hơn có thể có nghĩa là bị viêm phổi hoặc cúm. Trẻ vừa ho vừa có triệu chứng khò khè thì nghĩ tới trẻ bị viêm tiểu phế quản, hen suyễn hoặc viêm phổi. Trẻ bị ho gà có những cơn ho và phát ra tiếng “khục khục”.
Bên cạnh những điều trị đặc hiệu do bác sĩ chỉ định, sử dụng máy tạo độ ẩm phun sương mát và bù nước cho trẻ có thể làm dịu các triệu chứng. Cần lưu ý không cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ em dưới 4 tuổi uống thuốc ho hoặc thuốc cảm tại nhà mà không có ý kiến chuyên gia.
6. Tình trạng đau bụng
Khi con bạn bị chướng bụng, trẻ có thể khóc nhiều, ưỡn lưng và nôn ói. Tình trạng này có thể xảy ra do trẻ đau bụng, trào ngược dạ dày – thực quản, khó tiêu đối với một số loại thực phẩm, nhiễm trùng hoặc các lý do khác. Đôi khi trẻ bị ốm nếu khám phá cùng lúc nhiều loại thức ăn khác nhau. Hầu hết các cơn đau bụng đều vô hại và tự thuyên giảm. Tuy nhiên, hãy gọi cho bác sĩ nếu tình trạng này không cải thiện, hoặc con bạn bị nôn mửa, tiêu chảy, hôn mê hoặc sốt.
7. Đau khi mọc răng
Khi được khoảng 6 tháng tuổi, những chiếc răng sữa nhỏ xíu sẽ bắt đầu chọc qua nướu của trẻ. Điều đó thường làm cho trẻ sơ sinh khóc rất nhiều! Cách ứng phó nhanh chóng là đưa cho trẻ một cái gì đó an toàn để nhai. Vòng mọc răng bằng cao su không chứa BPA luôn là lựa chọn phù hợp nhất. Bạn cũng có thể dùng ngón tay xoa bóp nhẹ nhàng trên bề mặt nướu hoặc cho trẻ nhai thứ gì đó mát lạnh, chẳng hạn như khăn ướt ướp lạnh. Bạn cũng có thể hỏi bác sĩ xem liệu thuốc giảm đau như Acetaminophen có dùng cho trẻ đang mọc răng được không.
8. Đầy hơi là một vấn đề sức khỏe ở trẻ
Đầy hơi trong giai đoạn 6 tháng đầu là một vấn đề sức khỏe ở trẻ khá bình thường! Để giúp trẻ không bị đầy hơi, hãy cho trẻ ăn sữa từ từ và nhẹ nhàng cho trẻ ợ hơi thường xuyên. Hãy nghỉ ngơi để trẻ ợ hơi trong khi cho ăn và sau đó cũng vậy. Nếu bạn sử dụng sữa công thức, cố gắng không lắc nhiều (để tránh tạo bọt) vì trẻ nuốt bọt khí sẽ nhanh chóng bị đầy hơi.
9. Nghẹt mũi là các bệnh thường gặp ở trẻ
Nghẹt mũi là vấn đề sức khỏe luôn khiến trẻ rất khó chịu. Đây là triệu chứng trong các bệnh thường gặp ở trẻ trên đường hô hấp. Lúc này, không tự ý sử dụng thuốc cảm không kê đơn cho trẻ em dưới 4 tuổi. Thay vào đó, hãy nhỏ nước muối sinh lý vào mũi trẻ để làm loãng chất nhầy, sau đó hút ra khỏi mũi bằng ống tiêm hoặc máy hút mũi. Máy xông hơi trong phòng ngủ có thể giúp trẻ thở dễ dàng hơn vào ban đêm.
10. Buồn nôn và nôn ói
Đây là điều rất phổ biến và hầu hết là vô hại. Tuy nhiên, hãy gọi cho bác sĩ nếu tình trạng nôn mửa ở trẻ không ngừng trong vài giờ hay trẻ cũng bị sốt kèm theo nôn ói và bỏ ăn.
11. Làm thế nào để giữ bình tĩnh khi chăm sóc trẻ bị ốm?
Khi các vấn đề sức khỏe ở trẻ xảy ra, cha mẹ sẽ rất bối rối và cảm thấy tồi tệ. Tuy nhiên, cần cố gắng giữ bình tĩnh và tin tưởng vào bản năng làm cha mẹ của bạn. Theo dõi các dấu hiệu cho thấy trẻ cần đến bác sĩ hoặc chăm sóc y tế khẩn cấp. Một số dấu hiệu cảnh báo trong các bệnh thường gặp ở trẻ là thay đổi cảm giác thèm ăn, quấy khóc cực độ, thờ ơ, khó thở, phát ban – đặc biệt là phát ban lan nhanh trên da, cứng cổ, co giật, sốt cao và ít đi tiểu.
Tóm lại, nuôi con là trải nghiệm lý thú, một hành trình đòi hỏi nhiều kiến thức và kinh nghiệm của cha mẹ. Nếu được trang bị những hiểu biết về các bệnh thường gặp ở trẻ như trên, cha mẹ sẽ tự tin nhận biết nhanh chóng vấn đề sức khỏe ở trẻ, từ đó sẽ có cách xử trí đúng đắn khi trẻ bị ốm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Hiểu Rõ Biếng Ăn Tâm Lý Ở Trẻ Em: Nguyên Nhân và Giải Pháp Hiệu Quả
2 trẻ tử vong đột ngột tại nhà khi ngủ: Cảnh báo hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ
Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi có bị hậu COVID-19 không?
Trẻ nhỏ bị quầng thâm ở mắt cảnh báo bệnh gì?
Chuyên gia dinh dưỡng “tự xưng” – Nguyễn Thị Miện
Chuyên gia dinh dưỡng “tự xưng” – ăn cắp bản quyền lừa đảo Nguyễn Thị Miện
Tết của trẻ con
Trẻ con làm ồn trong quán cà phê: Chắc phải ‘đánh đòn’ cha mẹ?